Ca mắc, nghi mắc sởi ở Quảng Nam dự kiến còn diễn biến khó lường, Bộ Y tế yêu cầu đẩy nhanh tiêm chủng
SKĐS - Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Nam cho hay tình hình các ca mắc, nghi mắc sởi còn diễn biến khó lường, hai ca tử vong nghi sởi đều tại nhà; tiến độ triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi còn chậm... Cục Phòng bệnh - Bộ Y tế đề nghị Quảng Nam đẩy nhanh tiên độ tiêm chủng vaccine phòng sởi
Ngày 13/3, Cục Phòng bệnh – Bộ Y tế đã có văn bản gửi Viện Pasteur Nha Trang và Sở Y tế tỉnh Quảng Nam về việc tăng cường phòng, chống dịch sởi.
Cục Phòng bệnh cho biết, xét các báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Nam về tình hình các ca mắc, nghi mắc sởi còn diễn biến khó lường, hai ca tử vong nghi sởi đều tại nhà và tiến độ triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng, chống dịch sởi còn chậm.
Do đó, tại văn bản ban hành hôm nay, Cục Phòng bệnh đề nghị Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đẩy nhanh tiến độ triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng, chống dịch sởi năm 2025 trên địa bàn để đảm bảo hoàn thành 20.000 liều vaccine đã phân bổ cho tỉnh trước ngày 25/3/2025, ưu tiên tiêm cho trẻ ở các huyện đang có nhiều ca mắc hoặc nghi mắc sởi;
Đồng thời phải tiếp tục triển khai hiệu quả công tác tiêm chủng mở rộng, tổ chức tiêm bù, tiêm vét vaccine phòng bệnh sởi cho các trẻ chưa được tiêm hoặc chưa tiêm đủ các mũi vaccine.
Sở Y tế Quảng Nam cũng cần căn cứ nguồn lực và tình hình mắc, nghi mắc sởi tại mỗi địa phương để có thể áp dụng hình thức triển khai tiêm chủng phù hợp như tiêm chủng lưu động, tiêm chủng tại nhà nhằm nhanh chóng bao phủ vaccine đạt được miễn dịch trong cộng đồng.
Cục Phòng bệnh lưu ý không để tình trạng thiếu kinh phí, thiếu thiết bị, vật tư y tế, không đủ nhân lực y tế làm trì hoãn/chậm tiến độ tiêm bù, tiêm vét vaccine phòng bệnh sởi; trường hợp vượt thẩm quyền giải quyết các khó khăn này, cần báo ngay Chủ tịch UBND tỉnh để giải quyết.
Cục Phòng bệnh cũng nhấn mạnh: Trường hợp cần bổ sung vaccine phòng bệnh sởi, chủ động báo cáo với Viện Pasteur Nha Trang để xem xét điều chuyển từ những tỉnh trong khu vực; báo cáo Cục Phòng bệnh xem xét, điều chuyển từ các tỉnh khác.
Đẩy mạnh công tác truyền thông phòng, chống dịch sởi trong cộng đồng, áp dụng các hình thức tuyên truyền đa dạng, phù hợp với người dân, nhất là với đồng bào dân tộc để vận động người dân đưa con em đi tiêm chủng đúng lịch, đủ liều vaccine phòng bệnh sởi và đi khám, chữa bệnh kịp thời khi có các dấu hiệu mắc bệnh sởi.
Huy động sự tham gia các ban ngành và cộng đồng, phối hợp các biện pháp y tế và biện pháp xã hội trong công tác phòng, chống dịch sởi, đảm bảo quyền được bảo vệ sức khỏe của trẻ em, tất cả các cháu mắc sởi, nghi mắc sởi không chỉ được chăm sóc y tế, mà còn đảm bảo dinh dưỡng, giữ ấm, không để xẩy ra tình trạng các trẻ mắc sởi, nghi mắc sởi diễn biến xấu do thiếu chăm sóc y tế, không đủ dưỡng chất.
Ứng dụng mạng xã hội, thành lập các nhóm hỗ trợ kỹ thuật qua mạng xã hội, tăng cường hoạt động khám chữa bệnh từ xa, phân công bác sĩ có kinh nghiệm tuyến trên hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới, đặc biệt ưu tiên cho các trạm y tế xã, y tế thôn bản ở khu vực vùng núi, đi lại khó khăn. Giao cho nhân viên y tế thôn bản thường xuyên cập nhật, theo dõi các trẻ, gia đình có trẻ nghi mắc sởi để phối hợp y tế tuyến trên có giải pháp chăm sóc, theo dõi và chuyển tuyến khi cần thiết.
Trường hợp các thôn bản ở vùng núi cao, mất nhiều giờ đi bộ mới tiếp cận được, tập quán lạc hậu và có nhiều trẻ mắc, nghi mắc sởi có thể thiết lập tổ y tế tạm thời tại thôn bản để đẩy nhanh tiêm chủng, phát hiện ca mắc mới và chăm sóc điều trị cho trẻ tại nhà, chuyển lên tuyến trên khi vượt khả năng điều kiện y tế hạn chế.